Phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch; phí duy trì sử dụng mã số mã vạch của các loại mã doanh nghiệp, mã địa điểm toàn cầu GLN, mã thương phẩm toàn cầu rút gọn GTIN-8; phí đăng ký xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 232/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp mã số mã vạch. Các loại phí được điều chỉnh bao gồm: phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch; phí duy trì sử dụng mã số mã vạch của các loại mã doanh nghiệp, mã địa điểm toàn cầu GLN, mã thương phẩm toàn cầu rút gọn GTIN-8; phí đăng ký xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 và thay thế các thông tư cũ gồm thông tư 88/2002/TT-BTC ban hành ngày 23/2/2002 và thông tư số 36/2007/TT-BTC ban hành ngày 11/04/2007 của Bộ Tài chính. So với thông tư cũ, mức phí duy trì sử dụng mã số mã vạch được điều chỉnh tăng và có sự phân biệt giữa các loại mã số doanh nghiệp có quỹ mã số vật phẩm khác nhau. Việc điều chỉnh này nhằm tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp sử dụng mã, đồng thời hạn chế việc doanh nghiệp đăng ký tràn lan các loại mã số doanh nghiệp có quỹ mã số vật phẩm lớn, qua đó tiết kiệm được ngân hàng mã số quốc gia.
Bên cạnh đó, thông tư mới cũng điều chỉnh thông thoáng các nội dung được sử dụng nguồn phí thu mã số mã vạch. Cụ thể, thông tư quy định cho phép chi triển khai áp dụng những quy định của tổ chức mã số mã vạch quốc tế; nghiên cứu phát triển, triển khai công nghệ giải pháp mã số mã vạch; xây dựng và duy trì hệ thống dữ liệu mã số mã vạch…
Kể từ thời điểm trên, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch, duy trì sử dụng mã số mã vạch hoặc đề nghị xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài sẽ phải nộp các loại phí liên quan theo quy định tại Thông tư này.
Nguồn: GS1.ORG.VN